Đêm Hải Phòng

HÀ LINH QUÂN
(Báo Lao Động 194/2016)

Tôi là một người thích sống dưới nắng mặt trời, bởi khi chết rồi có khối thời gian để mà thưởng thức bóng tối. Do vậy, tôi chẳng sướng gì khi nhận được cú điện thoại lúc 10 giờ đêm: “Cháu đang ở trong Đà Nẵng. Thành phố như một bầu trời chi chít ánh sao! Trông nung ninh lắm chú ạ!”. Chết tiệt! Cái bệnh nói ngọng của nhiều người Hải Phòng, suốt đời lầm lẫn giữa n và l. Mà nó lại tưởng Hải Phòng không lung linh sao?


Sông Tam Bạc - Nguồn cảm hứng của rất nhiều nhà thơ, họa sĩ. Ảnh: TRẦN SƠN

Con đường ánh sáng

Đêm bắt đầu mọc lên từ mặt đất. Thành phố bắt đầu từ phía ngoại ô. Con đường chạy từ sân bay Cát Bi về quảng trường Nhà hát Lớn ngập trong 15 tỉ đồng ánh sáng. Đó là giá trị của bản dự án “chiếu sáng trang trí” mà sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hải Phòng ký với nhà thầu Sơn Lâm - Nhà thầu đã được chọn cho công trình Nhạc nước nổi tiếng trên hồ Tam Bạc. Những chiếc nón điện, bông hoa phượng điện, con cá và cánh buồm điện thô kệch, quê mùa, đáng để trang trí phố huyện lại được các nhà văn hóa Hải Phòng đem dăng ra khắp phố phường, nhìn vào chỉ thấy chói chang. Những dòng ánh sáng cào vào đêm tối như những móng vuốt của một con mèo!

Nhà báo Quang Hưng nghĩ khác. Anh cho rằng chúng phù hợp với đường Ngã 5 - Sân bay Cát Bi. Con đường có các nhà giàu mới nổi: Cán bộ hải quan, dân buôn biên giới, công chức nghỉ hưu, giang hồ gác kiếm…, những nhà triệu phú thích quát vào mặt các cô nhân viên bán hàng trong những siêu thị. Con đường mà kiến trúc sư Nam Do xác nhận: Như nhà bảo tàng trưng bày trước mắt bàn dân thiên hạ những thảm họa về kiến trúc - xây dựng, với vô số tòa lâu đài, biệt thự ngột ngạt, được copy từ quá khứ xa lắc, có cả mái vòm Hồi giáo đến các hàng cột Hy - La. Nhà ở gì mà hầm hố như tòa thị chính: Mặt tiền hoành tráng gắn đủ mọi thứ họa tiết linh tinh, cổng vào oai vệ có rồng chầu và hổ phục, phòng khách vương giả với đá ốp và gỗ lát nặng nề chỉ cốt để làm lác mắt khách khứa. Đấy là chưa kể những pho tượng thần Ái tình mũm mĩm đúc bằng ximăng bày khắp sân vườn. Những tòa nhà được sao chụp lẫn nhau và càng giống nhau ở chỗ: Đắt tiền nhưng được phô trương một cách rẻ tiền. Tội nghiệp, chúng đã già nua, cũ kỹ ngay từ khi mới ra đời.

Cát Bà nơi duy nhất ở Hải Phòng du khách nước ngoài còn tìm đến.

Dù được hoàn thành đã gần 10 năm, con đường rất đẹp này vẫn chưa được “lấp đầy”. Đứng dưới vầng trăng vắt vẻo phía cuối con đường có thể nghe thấy tiếng giãy giụa của con cá trong một cái ao đục ngầu rác rưởi. Từ nhiều năm nay, thị trường bất động sản ở Hải Phòng cử động như một con rùa ngủ đông. Thành phố đã ít đại gia, lại không hấp dẫn được giới lắm tiền Hà Nội, Sài Gòn về để xây dựng cao ốc, trụ sở, văn phòng đại diện… trên con đường này. K là nhà đầu tư bất động sản đang ở cái tuổi 50 hùng hổ, túi nhét đầy các dự án, nói đầy tiếc rẻ: “Giá con đường này nó ở Hà Nội!”.

Văn hóa đêm chỉ còn lại khiêu vũ?

Anh bạn Hà Nội hỏi tôi: “Tối nay có hòa nhạc thính phòng không?”. Vợ tôi nhanh nhảu: “Hải Phòng không tiêu hóa được cái món quý tộc ấy ạ! Hay anh đi xem múa rối?”. Thằng con tôi chặn: “Rạp Sông Cấm “múa” thành quán café rồi mẹ!” - “ Thế đoàn ca múa Hải Phòng?” - “Cháu thấy họ vẫn đi hát đám cưới! Thôi bố với bác vào karaoke hát cho nhau nghe!”. Vợ tôi lườm nó!

Hai tuần trước khi Ruby bị công an Hải Phòng hốt trọn ổ, tôi được T dẫn vào đây cùng một doanh nhân. T đã U60 mà tóc cứ đen nhánh như xi đánh giày. Anh vẫn khát khao hưởng thụ cho đến giọt mật cuối cùng của đời công chức có quyền “xin - cho” - Những người không bao giờ phải trả tiền trong các cuộc vui! Anh chẳng hề nghèo đâu nhé. Chiếc nhẫn kim cương trên tay cũng đủ để một thằng trộm mất ngủ cả tháng. Song người càng giàu (bất chính) càng muốn ăn không! Nhà hàng Karaoke này nổi tiếng, nhưng không phải vì giọng hát giống như tiếng gót giày nghiến lên sỏi khoan vào đầu tôi khi cánh cửa bị bật mở. Và tôi được biết “tại sao?” lúc vị doanh nhân đeo bộ sưu tập các nhẫn và dây toàn vàng là vàng xuất hiện: Một bầy tiên nữ ập đến! Dĩ nhiên giá rượu cũng cao như những bộ ngực phơi phới vươn về phía trước, bất chấp sức hút trái đất. Nhà doanh nghiệp của chúng tôi mặc dù đã bị lên cơn hào phóng do tác động của một cặp mắt nâu đang nằng nặc đòi âu yếm như con mèo với chủ nó, cũng không dám gọi đến chai thứ 2.

Người Hải Phòng không nhiều tiền! Những cái biểu tượng giàu sang khét tiếng một thời như VOSCO, chợ Sắt bây giờ chỉ còn là các huyền thoại quá khứ. Anh B, giang hồ đồn rằng ngày xưa có tài bán được cả cát cho người Arập, than thở: “Làm tiền mà dễ chỉ có tham nhũng hoặc có chân trong các nhóm lợi ích!”.

Trái tim già nua bạn tôi chắc không chịu đươc cú sốc bắt nó đập như một chiếc máy nhồi bêtông như ở Ruby. Thôi thì bạn muốn đi đâu trong đêm Hải Phòng? Anh nói muốn đến phòng tranh Đặng Tiến vì đã được xem mấy bức phong cảnh và nude của họa sĩ này được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội). Không được đâu bạn! Tôi biết Hải Phòng không có Gallery nào hội đủ tiêu chuẩn để những người như Đặng Tiến treo tranh. Song ở Bảo tàng Hải Phòng thì hình như có. Phố Điện Biên Phủ không treo nón điện nên bóng đêm được rót từ trên trời cao xuống. Lòng đường mờ tối nhưng long lanh vì cơn mưa vừa tạnh. Thật thích khi cảm nhận được những chiếc lá rụng đẫm nước dưới chân. Nó làm nhẹ bớt cảm giác thất vọng khi thấy tòa nhà bảo tàng tuyệt đẹp tối om, cửa đóng then cài, lặng lẽ ngủ dưới ánh sao. Một người qua đường tốt bụng nói vọng: “Muốn xem bảo tàng phải chọn ngày lễ!”. Tôi đã đến đây vào đúng ngày lễ. Bảo tàng vắng tanh. Một cô nhân viên lẽo đẽo đằng sau, miệng cô ngậm chặt như con hến lúc triều xuống. Cô đi theo khách vì sợ bị… mất hiện vật!

Lễ hội Hoa phượng đỏ hoành tráng nhưng khi đèn tắt thì du khách cũng hết.

Thì quay về Nhà hát Lớn! Sáng nay ở đây có hội nghị mừng công của tổng công ty M. Ngày mai là lễ sơ kết của ngành nông nghiệp. Đã lâu lắm rồi Nhà hát Lớn không sáng đèn sân khấu như lẽ tồn tại của nó. Cô gái Masha của đoàn kịch nói Hải Phòng vang bóng một thời nay đã lên bà. Thế hệ đàn em của cô không thể làm chật cứng các hàng ghế khán giả, nhưng biết mở shop quần áo và buôn bán đồ điện tử. Tình yêu nghệ thuật nguội như cái bếp tắt lửa. TK - trùm phe vé đã giải nghệ tuyên bố: “Những đoàn nghệ thuật nước ngoài chẳng thèm ngó đến Hải Phòng. Các đoàn nghệ thuật “nước trong” về Hải Phòng diễn bây giờ là chết!”.

Bạn tôi chỉ vào quán café T đường Lê Đại Hành: “Ngày xưa tôi nghe ở đây bài Thời hoa đỏ!”. Quán vẫn đông khách. Thế nhưng từ ngày Thanh Tùng, nhà thơ Hải Phòng kiệt xuất, bỏ vào Sài Gòn, chẳng có ai đến đây để đọc thơ. Nơi này chỉ còn một nhóm nhà giàu chê tiền ngồi bàn nghệ thuật. Đáng buồn thay các anh tài Hải Phòng! Người thì đã chết như Đồng Đức Bốn, người thì cất tiếng hát con thiên nga đã lâu - Duy Thái. Hải Phòng vắng bóng những “quái nhân” trong lĩnh vực nghệ thuật, chỉ mọc lên các ngôi sao mini!

Tôi không thích Đồng Đức Bốn gọi khiêu vũ là nhảy đầm, vì từ khiêu vũ sang hơn, đúng bản chất của môn nghệ thuật này. Khiêu vũ tìm thấy mảnh đất Hải Phòng rất sớm và Hải Phòng cũng phát triển khiêu vũ rất mạnh. Hàng ngàn người đã đi tập khiêu vũ.

Chúng tôi dẫn nhau vào Cung văn hóa Thanh Niên. Hòn đảo nằm trong lòng hồ Quần Ngựa tối om. Quả tình bóng tối cũng bị nhạt đi một chút nhờ những ánh sao bàng bạc làm nổi bật các hàng cây cổ thụ. Đêm nay, giống như vô vàn đêm khác, chẳng có sinh hoạt văn hóa gì hết. Cung văn hóa Thanh Niên đã biến thành bãi gửi xe ôtô đêm lấy tiền. Chỉ còn mỗi sàn khiêu vũ Tao Đàn kiên trì mở cửa. Giống như thành phố của mình, người Hải Phòng vẫn nhảy như 20 năm trước. Sự chậm đổi mới khiến dân đất Cảng nhảy giỏi nhưng rất ít người nhảy đẹp!

- “Thế những ai không khiêu vũ, đêm Hải Phòng họ đi đâu?”.
- “Vào quán ăn nhậu!”.

Ăn nhậu ngập tràn vỉa hè

Đồ ăn Hải Phòng dễ kiếm. Bước chân ra đường là thấy. Đêm xuống là lúc trình diễn nghệ thuật ẩm thực trên các vỉa hè. Náo nhiệt nhất ở 5km phố Lạch Tray, 2km phố Lê Lợi. Có cảm giác như ăn nhậu vỉa hè là cuộc sống đêm Hải Phòng. Như trên đã nói: Người Hải Phòng không nhiều tiền! Du khách ít người lai vãng. Các nhà hàng lớn ế ẩm. Ngày càng có nhiều người kiếm sống nhờ ăn nhậu vỉa hè. Có hàng quán được quảng cáo bằng một tấm biển bạc màu. Có hàng tự thể hiện mình bằng chính mùi vị thức ăn được chiếc quạt máy hổn hển như người bị lên cơn hen phát tán. Có hàng hoành tráng chiếm cả lòng đường. Có hàng chỉ là vài cái ghế nhựa để dễ bề chạy công an! Đồ ăn toàn món rẻ tiền: Một đĩa thịt nướng có 10.000đ, một nồi lẩu có cả tôm, cả ngao, cả rau - 69.000đ. Cái sự rẻ này hấp dẫn thực khách. Người lao động nghèo, học sinh, sinh viên đặt sự ít tiền trên mối lo mất an toàn thực phẩm.

Dừng chân trên đường Lạch Tray, chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế còn dính những sợi lông mềm của một chú chó nằm bên có đôi mắt buồn, tin cậy. Khác với các người ngồi quán café thường có điệu bộ uể oải như làn khói mỏng uể oải bốc lên trên miệng tách café đen, quán nhậu vỉa hè cực kỳ sôi động. Hình như người nào cũng có sẵn một kho chuyện vặt vãnh để ra đây ngồi “chém gió”. Đó là một người đàn ông hiểu biết tình hình thế giới chẳng thua hãng CNN. Ông ta cho rằng phương Tây phải nhờ Việt Nam mới tiêu diệt được chủ nghĩa khủng bố! Những người biết tuốt thì thường nhìn xa hơn trước mặt họ chỉ một bước chân. Cạnh tôi là 3 cô gái. Qua các câu chuyện của họ tôi biết 2 cô đã ly dị chồng, một cô còn đang đi tìm nạn nhân! Cô nói tình dục cũng quan trọng như rửa mặt, xỉa răng và mắt cô liếc gã đàn ông ngồi gần tôi. Anh ta cởi trần, người như một phòng trưng bày nghệ thuật xăm mình. Gã có sức hút hoang dã. Người qua đường yếu bóng vía có thể máy tay nộp tiền cho gã rồi mới giật mình chợt nghĩ: “Trước kia mình có nợ nần gì hắn không nhỉ?”. Tôi trấn an bạn Hà Nội: “Hình sự Hải Phòng giỏi lắm! Cái thời giang hồ lộng hành đất Cảng qua rồi. Các khối vai u thịt bắp giết người không biết ghê tay như kiểu Cu Nên giờ chẳng biết dạt về đâu?”. Có lẽ “chém” dữ nhất là một ông cặp mắt như 2 viên thủy tinh đen tăm tối. Giọng nói tự tin, chắc nịch, như thể ông quen hết những nhân vật quan trọng nhất trong thành phố. Đám người xung quanh mắt tròn, mắt dẹt, chắc chắn bởi sự hấp dẫn mãnh liệt của các câu chuyện ngồi lê đôi mách, vô nguyên, vô cớ. Chẳng hạn sếp S đi bộ 8 bước mới nhè ra được 4 từ trả lời doanh nghiệp không phải cánh hẩu (Ông nói sai rồi! Chính khách là người bảo vệ lợi ích của toàn xã hội chứ đâu phải cho các nhóm lợi ích!); Sếp A lên chức vì là đàn em sếp B (Ông lại nói bậy, sự lên chức đó là “đúng quy trình”); Sếp C làm về giáo dục nhưng chẳng mấy khi đọc sách! (Bình thường! Không đọc sách nhưng lại thuộc văn bản!).

Đêm xuống là lúc trình diễn nghệ thuật ẩm thực trên các vỉa hè.

Thư viện Hải Phòng ngay đằng sau lưng chúng tôi. Tòa nhà 9 tầng rỗng ruột sách báo, lạnh lẽo, tối om. Dù chẳng ai vào thì những bụi hoa dưới chân tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn cứ bướng bỉnh tỏa hương như cố át mùi mực nướng “phàm tục” bay qua hàng rào thư viện. Chúng biết cụ Trạng chau mày vì lũ cháu con thích nhậu nhẹt hơn đọc sách!

“Trung tâm công nghệ phần mềm” nằm ở tầng trệt thư viện. Sức sống của nó khiến cho cái tên rất kêu giống như một lời nói khống sống sượng! Hải Phòng không có phong trào khởi nghiệp. Các “start up” tương lai còn đang ngồi trong quán game. Game thủ phần lớn là những cậu bé, có đứa ngồi sau cái bàn chỉ nhìn thấy mỗi chỏm tóc, mắt dán chặt vào màn hình, tay ào ào gõ bàn phím. Chúng có thể ngồi hàng giờ ngập chìm vào thế giới ảo, siêu thực với các tiếng sấm, tiếng rít, tiếng cười kỳ quái, những âm thanh được tạo ra từ công nghệ kỹ thuật số. Chơi game cho chúng kỹ năng điều khiển, thế nhưng thứ quà vặt điện tử ấy khó giúp chúng trở thành các chuyên gia CNTT sau này.

Đêm sâu lắm rồi. Một nhóm sinh viên hàng hải bắt đầu văng tục, họ cho nhau ăn toàn những thứ mất vệ sinh. Tôi không hiểu họ học hành kiểu gì, chỉ thấy lên mạng kêu ca về chuyện mất tiền mua điểm.
Đường về nhà phải qua dải vườn hoa trung tâm. Chúng tôi đứng dưới chân bức tượng bà Lê Chân, thành hoàng Hải Phòng, hít thở không khí để nuôi dưỡng linh hồn mình. Nhiều nhà phong thủy nói rằng sông Lấp là long mạch của thành phố. Các nhà lãnh đạo Hải Phòng thành tâm cải tạo, biến nó thành dải vườn hoa trung tâm rất đẹp. Đêm đi dọc hồ Tam Bạc là một trải nghiệm tuyệt vời, cảm xúc thăng hoa, tâm hồn thư thái. Thế rồi trên chiếc ghế đá ven hồ chúng tôi gặp một người vô gia cư. Dưới ánh đèn đường, mặt ông ta đầy bóng tối. Báo chí đưa tin xây một căn nhà tình nghĩa mất 50 triệu. Ở giữa hồ kia, người ta “dìm chết” 200 tỉ đồng - giá tiền ngân sách của cái công trình nhạc nước nổi tiếng! Ngân sách là tiền đóng thuế của dân. Trong vụ nhạc nước các quyền được biết, được bàn và được kiểm tra của người dân bị phớt lờ. Chưa có kết luận ở đây có dính tham nhũng, nhưng xưa nay thì tiền luôn có thể làm lương tâm nhiều quan chức giãn ra như miếng bã kẹo caosu. Và nỗi ngờ vực cứ thế mở toác như một vết thương chẳng biết bao giờ mới khép.

Đêm tàn, ngày rạng. Một làn ánh sáng mát dịu vuốt ve những nụ hoa nhài nở sớm trong cái bình gốm men xanh đặt trên cửa sổ nhà ai. Buổi sáng Hải Phòng thật đẹp. Thành phố vừa có bộ lãnh đạo mới!

Vĩ thanh

Nhà thơ Pháp Paul Valery viết: “Khó khăn nhất của hiện tại chính là tương lai sẽ không giống như hiện tại”. Suốt một thế kỷ, Hải Phòng đã là thành phố thứ ba, nếu Hải Phòng muốn giữ nguyên như cũ thì thành phố phải thay đổi toàn diện. Trong thế giới phẳng mọi thứ diễn biến rất nhanh, ngay trí thông minh cổ điển chạy cũng không kịp. Vài giờ trước khi bị bắn ở bang Texas tổng thống Mỹ Kennedy đã nói: “Lãnh đạo và sự học hỏi là hai mặt không tách rời”. Nếu một bộ phận quan chức vì những bổng lộc mạ vàng mà không học tư duy mới: Dùng người dựa theo tài năng và việc chọn thầu được quyết định sau cánh cửa mở rộng - thì Hải Phòng ơi, xin chào!

Người Hải Phòng rất thông minh. Lãnh đạo càng thông minh hơn, ai cũng có tầm nhìn xa. Thế nhưng tầm nhìn mà không thực hiện chỉ là ảo giác!

2 nhận xét:

  1. Công trình nhạc nước hồ Tam Bạc Hải Phòng đúng là xấu tê tái thật. Em ở cách đó vài trăm mét mà chả buồn chen chân đi xem. Thư viện Hải Phòng thì vào 1 lần rồi không bao giờ hẹn gặp lại.

    Trả lờiXóa
  2. Mọi suy nghĩ trăn trở phải đi vào thực tiễn

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!